Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn
Lịch, sinh năm 1838 tại xóm nghề thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu
An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp 1, Thạnh
Đức, Bến Lức, Long An). Thuở nhỏ, ông còn có tên là Chơn.
Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện
Phù Cát, thị trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn
Phụng (tục danh là Thăng hoặc Trường) và mẹ là bà Lê Kim Hồng.
Khi
chiến tranh Tây Sơn nổ ra, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo (ông nội của Nguyễn Văn
Lịch) chạy giặc vào Nam, định cư tại thôn Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận
An, phủ Tân Bình,
trấn Phiên An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu
sông Vàm Cỏ Đông.Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên tại xóm
nghề thôn Bình Nhựt, được học văn võ tại Bảo Định, Định Tường. Nguyễn Văn Lịch vốn là một thanh niên khỏe mạnh, giỏi
võ dù mới 20 tuổi nhưng có khí phách, đảm lược, uy tín... ông được các nhóm dân
dũng trong vùng tôn làm thủ lĩnh cùng nhau đánh
giặc Pháp, cứu nước.
Ông tổ
chức các nhóm lại thành đội ngũ kéo xuống Gò Công đầu quân với Phó Quản cơ
Trương Định đang cai quản đồn điền Gia Thuận. Ông được Trương Định biên chế đội
dân dũng của ông thành quân đồn điền và phong ông làm
Chánh đội trưởng trực tiếp chỉ huy quân của mình. Sau
khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Giặc triển khai
lực lượng đánh chiếm Biên Hòa, Gò Công và Định Tường. Quan quân Gia Định rút về
Biên Hòa, Trương Định rút về Gò Công, Phan Cư Chánh rút về Giao Loan... còn
Nguyễn Văn Lịch rút về Tân An, với tư cách Chánh đội trưởng quân đồn điền, ông
được Trương Định giao phụ trách vùng Tân An.
Nguyễn Trung Trực là một trong những người yêu nước tiêu biểu
và đặc biệt. Với hai chiến công vang
dội nhất: Trận đốt cháy và làm chìm tàu L’Espérance trên vàm sông
Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16/6/1868 nghĩa
quân chiếm được đồn, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100
khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền. Trong sự nghiệp kháng thực dân Pháp của ông, có hai chiến công nổi
bật, đã được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:
“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa.
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”
Ông còn nổi tiếng với câu nói được coi là chân lý, tiêu biểu cho tinh thần
bất khuất, chống ngoại xâm đến cùng của cả dân tộc Việt Nam: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Cuộc đời và sự nghiệp của
Ông rất thật và gần gũi nhưng đã trở thành huyền thoại đầy tự hào của người dân
Nam Bộ.
Được sự gợi ý của đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An biên soạn và xuất bản cuốn sách “Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 –
1868)”. Đây là một trong những cuốn sách của dự án Nam Bộ nhân vật chí nói chung nhằm giới thiệu cuộc đời, công lao của
các nhân vật Nam Bộ trong quá trình xây dựng và phát triển của vùng đất miền
Nam Việt Nam. Lịch sử hơn 300 năm mở đất của vùng đất Nam Bộ đã gắn liền mồ
hôi, nước mắt và máu của biết bao thế hệ người Việt, những công dân Việt Nam ở
mọi miền đất nước cũng như của các cộng đồng dân tộc anh em đã sinh sống tại
nơi đây, tất cả cùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, thiên nhiên và thú dữ,
nhân dân đoàn kết chung lưng đấu cật cho sự màu mỡ của vùng dất phương Nam, góp
phần vào cuộcđấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, non sông liền một
dải như ngày xưa.
Cuốn sách “Anh hùng dân tộc Nguyễn
Trung Trực (1838 – 1868)” do Ths. Nguyễn Hữu Hiếu và
Ths. Nguyễn Thành Thanh sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tiếp nhận và
được sự chỉ đạo đầy tâm huyết của đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ban Biên tập đã sửa chữa, đối chiếu tư liệu
lịch sử từ nhiều nguồn khác nhau và hoàn thiện bản thảo ngắn ngọn, súc tích,
khoa học, ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, giản dị, dễ hiểu, phù hợp với công tác
giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên.
Trong cuốn sách “Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868)” dày 88 trang, xuất
bản năm 2021 và khổ sách 13 x 19 cm được chia làm 2 chương:
- Chương một: Quê hương, dòng họ và thời niên thiếu
- Chương hai:
Hai giai đoạn kháng chiến của Nguyễn Trung Trực
Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn
đọc.
Phương Thái Dương
(Bảo tàng- Thư viện tỉnh Long An)